Làm thế nào để tình mẫu tử thêm gắn kết?
Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất, thế nhưng, đôi khi do chênh lệch về tuổi tác và góc nhìn giữa mẹ và con, một vài “lỗ hổng” cũng xuất hiện. Làm thế nào để xóa đi khoảng cách và thắt chặt thêm tình mẹ con? Cùng nhau khám phá cách xây dựng những chiếc “cầu nối” qua bài viết này, bạn nhé!
1. Những lệch pha thường gặp giữa mẹ và con
Mẹ muốn trẻ học – trẻ chẳng muốn học
Mong muốn của mọi bậc cha mẹ là con chăm chỉ học hành, đạt thành tích tốt và qua đó có tương lai tươi sáng hơn. Vì mục tiêu này, bạn không ngần ngại cho trẻ học hết lớp này đến khóa khác để bổ sung kiến thức. Thế nhưng, trong mắt trẻ, “công cuộc” học hành này lại chẳng khác gì tạo thêm áp lực và “lấy” hết thời gian cả ngày của trẻ. Thật ra, sách vở trẻ học tại trường chỉ là một phần để trau dồi kiến thức, còn các kỹ năng, trẻ phải được học hỏi qua quá trình tiếp xúc, kết giao thêm nhiều bạn. Chính vì vậy, bạn cần hướng dẫn bé sắp xếp thời gian hợp lý, cân bằng giữa học tập và vui chơi. Bên cạnh đó, bạn có thể khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng hoặc các trò chơi tập thể cùng bạn bè. Chắc chắn chúng sẽ giúp trẻ có thêm niềm vui và học được nhiều điều bổ ích!
Mẹ lo lắng an toàn – trẻ muốn ra ngoài chơi
Thế giới bên ngoài thật thú vị và có nhiều điều thật mới lạ, thu hút trẻ. Thế nhưng bạn lại ngần ngại không dám cho trẻ ra ngoài chơi. Nào là tai nạn, khói bụi, bệnh tật đến “người xấu”,… khiến bạn chỉ muốn con ở nhà. Thế nhưng nếu suy nghĩ theo hướng tích cực hơn, bạn sẽ thấy để trẻ tiếp xúc thế giới bên ngoài cũng không phải không tốt. Ra ngoài, trẻ sẽ học hỏi được những điều tốt từ mọi người xung quanh, con sẽ có thêm kinh nghiệm, mạnh dạn hơn. Đồng thời, nếu cứ ở trong vòng tay của mẹ, trẻ sẽ chẳng bao giờ được tự do trải nghiệm những điều tốt đẹp đang chờ đợi con khám phá.
2. Làm thế nào để hiểu con?
Quan sát các biểu hiện của trẻ
Với những trẻ còn nhỏ, bạn có thể phải tìm hiểu cả những biểu hiện trên nét mặt và ngôn ngữ cơ thể để thấu hiểu suy nghĩ và cảm xúc của trẻ. Ngoài ra, dù có bận đến thế nào, bạn cũng nên dành thời gian bên con ít nhất 2 giờ mỗi ngày để cùng học và chơi với con. Bởi đó là “thời gian vàng” để xây dựng mối quan hệ mẹ-con bền chặt. Quan sát trẻ mỗi ngày cũng giúp bạn nhanh chóng nhận ra các bất thường và kịp thời uốn nắn, giúp đỡ cho trẻ.
Dành thời gian lắng nghe và trò chuyện
Bạn nên dành thời gian lắng nghe những câu chuyện và tâm tư của con. Đặc biệt là trong những giai đoạn trẻ có sự thay đổi về tâm lý (như sau khi chuyển lớp, chuyển trường, chuyển nhà,…) hoặc sinh lý (trẻ bước vào tuổi dậy thì). Hãy dành thời gian lắng nghe khi trẻ kể cho bạn những câu chuyện về trường, lớp, bạn bè. Nếu trẻ không chịu kể, bạn có thể đặt một số câu hỏi gợi mở như “hôm nay con đi học có vui không?”, “Con cùng các bạn chơi trò chơi gì?”,… Qua đó dần dần trẻ sẽ tập được thói quen trò chuyện, tâm sự với bạn và đồng thời, giúp thu hẹp khoảng cách của hai mẹ con.
Tìm hiểu sở thích, tính cách của con
Bạn hãy dành thời gian tìm hiểu những sở thích của con, hoặc những hoạt động con yêu thích. Tính cách của trẻ sẽ được bộc lộ rõ nhất qua những việc này. Sau khi đã biết rõ, bạn cần cho trẻ có không gian riêng, tự do lựa chọn và theo đuổi sở thích của mình. Đồng thời, bạn cần theo dõi hành trình của con để có sự hướng dẫn và trợ giúp con khi cần thiết. Bên cạnh đó, cũng nên khuyến khích trẻ “thử sức” với các hoạt động mới để có thể khám phá khả năng, sở thích thật sự của con và từ đó giúp con xác định sở trường và mục tiêu của bản thân.
Để hiểu trẻ, bạn cần phải trở thành một người bạn của trẻ trước. Chỉ cần mỗi ngày dành thời gian trò chuyện, thấu hiểu và đồng cảm với trẻ, chắc chắn mối quan hệ giữa hai mẹ con sẽ càng thêm gắn kết.
Nguồn: Gia Đình Nestlé tổng hợp
Ảnh: Photobucket